Có lẽ do sợ bị trừng phạt, cho nên sau đó chẳng một ai nói ra chuyện hồn Năm Nhơn về sống chung nhà Hội đồng Thì. Đặc biệt là Hai Mến, cô ta tỏ ra biết điều, ngoan ngoãn vô cùng. Đích thân cô ngày ngày ba bữa làm cơm, bưng lên cúng ở bàn thờ đặt trong phòng của cô chủ.
Mến cũng chứng kiến sự đổi thay đến ngạc nhiên của Ái Loan. Từ một cô tiểu thơ con nhà giàu đỏng đảnh, khó ưa, nay trở thành một cô chủ dịu dàng, dễ gần.
Gần một năm sau thì Ái Loan sinh con. Biết chắc đó là giọt máu vô thừa nhận, tác phẩm của mối tình vụng trộm giữa Loan và Còm Thuần, nhưng từ khi cô sinh ra thì hầu như chỉ để con trong phòng, mẹ con hủ hỉ cùng nhau. Thỉnh thoảng chính Hai Mến còn nghe những lời vỗ về, nựng nịu con của... một người đàn ông. Giọng của Năm Nhơn! Anh ta đã chấp nhận đứa trẻ ấy như là con mình!
Ngày đầy tháng con, trong số ít khách tới nhà có cả Lan Ngọc. Cô nhận làm mẹ đỡ đầu và hứa sẽ thường xuyên về thăm.
Vợ chồng Hội đồng Thì cũng thay đổi hẳn tánh biết sống có nghĩa tình hơn, hiền lành hơn. Cho đến hôm gia nhân không còn thấy họ xuất hiện trong nhà nữa. Hai Mến biết chuyện, bảo với những người thân cận:
- Ông bà ấy tu tâm dưỡng tánh, muốn lấy lòng nhơn để trả phần nào việc ác ngày trước, nên đã về một vùng quê xa xôi, cất một cái am và ở cùng nhau, tu tâm cho đến cuối đời…
Ái Loan một mình cai quản cái cơ ngơi đồ sộ của cha mẹ một cách trơn tru, tốt đẹp đến người ngoài phải ngạc nhiên. Cô dùng hầu hết tiền bạc kiếm được để làm việc thiện và từ đó ăn chay trường, không sát sinh.
Từ là một ngôi nhà mà người chung quanh mỗi khi đi ngang qua đều không dám nhìn, nay lại là nơi bà con thường lui tới thăm viếng. Đó còn là một địa chỉ mà ai có túng thiếu đều ghé qua nhờ cậy và được đáp ứng vô điều kiện. Không ai hỏi han về hồn ma Năm Nhơn nữa, nhưng trong lòng họ lúc nào cũng nhớ tới anh. Họ hiểu chỉ có anh mới cảm hóa được những con người như nhà Hội đồng Thì…